I want to love you more!

Tuesday, January 18, 2011

TÌM THẤY CHÚA TRONG VIỆC HỌC


TÌM THẤY CHÚA TRONG VIỆC HỌC
(Thư 1541 của Cha Phêrô Favre và các đoạn trích từ Nhật Ký Thiêng Liêng của Cha Giêrônimô Nadal)

“Chính Cha Laynez, từ năm 1539, đã khám phá ra các trường trung học”. Thánh Inhã đã viết như thế với lòng tri ân. Ngài nhận ra rằng Dòng Tên không thể nào cậy nhờ nguồn ơn gọi đến từ những con người mà tư chất đã định hình rồi. Ngài viết “phần lớn những người này, sau thời gian học tập cá nhân, đã trở thành những tâm hồn mệt mỏi, không còn hứng khởi gì khác ngoài một vị thế ổn định và chắc chắn, cũng như sẽ không hứng khởi lắm với trăm thứ thăng trầm của đời tông đồ mới, mà nền tảng của nó đòi hỏi sự từ bỏ chính mình.” Cha Laynez cho rằng: “nếu chúng ta cần những người thợ có chất lượng, những con người đảm đang và nghiêm túc, tràn đầy nhiệt huyết cũng như có khả năng khơi lên những hứng khởi, thì phải hướng về những người trẻ và chinh phục họ cho Dòng. Cho nên cũng phải săn sóc và chăm lo việc học cho họ.” (theo H. Bercher. Die Jesuiten, 1951, tr. 54.)
Về phần mình, Cha Giêrônimô Nadal cũng đã suy nghĩ và cầu nguyện về việc học trong Dòng. Ba đoạn trích từ Nhật ký thiêng liêng dưới đây chứng tỏ sự quan tâm của ngài (MHSJ, Nadal, IV, tr.718-719, 683, 714). Ngài tự vấn rằng tại sao chúng ta không dùng khuôn khổ mà phương pháp suy niệm trong Linh Thao giới thiệu để áp dụng cho việc học. Dù sao đi nữa thì chiêm niệm sẽ soi sáng việc học và khơi lên nơi nó ao ước đào sâu về đàng thiêng liêng. Đồng thời sự ý thức nội tâm này phải trở thành một hành động đã trải nghiệm hầu có thể phục vụ tha nhân.

“Học viện” đầu tiên của Dòng được thiết lập vào đầu năm 1540, lúc mà Dòng còn chưa được phê chuẩn. Bốn sinh viên trẻ đã lên đường đi Paris học triết học và thần học và trước khi rời Roma họ đã phác nên nội quy hầu giúp họ sống ơn goi. Một số điểm trong bảng nội quy này được ghi lại trong phần IV của Hiến Luật. (MHSJ, Cont. , IV, tr. 4-11). Chân phước Phêrô Favre đã viết cho những anh em này bức thư dưới đây.

Cha Favre phân biệt ba giai đoạn trong đời sinh viên Giê-su hữu: (1) “nguyên lý” vừa đánh dấu lúc bắt đầu việc học vừa nêu lên lý do mà người sinh viên phải dấn thân; (2) “đích nhắm” vừa là mục đích thiêng liêng được đề nghị phải theo vừa là khả năng tông đồ mà người tu sĩ phải có khi học xong; cuối cùng là giai đoạn “trung gian”, tức là tình trạng đặc thù của học viên được sai đi học.

Phần “trung gian” này cũng chính là “phương tiện”: tiếng Tây Ban Nha và tiếng Latinh dùng cùng một chữ cho hai ý niệm này. Đó là lý do mà cách nào đó bức thư không rõ ràng. Nếu mang nghĩa phương tiện thì việc học chỉ có nghĩa khi theo đuổi mục đích mà theo đó nó được thiết lập. Nếu mang nghĩa trung gian, hay giai đoạn ở giữa thì việc học tự nó đã mang một loại “chân lý” nào đó, nghĩa là nó đã có giá trị thiêng liêng rồi. Nguyên lý và mục đích thì được nối kết với Đức Ki-tô, Đấng là nguyên lý và mục đích của mọi sự, còn “phần giữa hay trung gian” thì gắn kết với Đức Ki-tô, Đấng trung gian nhờ mầu nhiệm Thập Giá.

Vào mỗi giai đoạn và bằng cách thức khác nhau, sinh viên Giê-su hữu phải tìm thấy bình an tâm hồn. Cha Favre nhấn mạnh điều đó trong khi khơi lại một cách rất cảm động những bối rối trong đời nội tâm mà ngài đã phải trải qua trong thời gian khá lâu.

menaritepuktanganmenari

Nguyện xin ân sủng và bình an của Đức Ki-tô Chúa chúng ta ở trong tâm hồn anh em!

Bức thư của anh em viết từ Paris đề ngày 5 tháng 4 đã đến tay tôi ngày 3 tháng này. Tôi tạ ơn Chúa không chỉ vì anh em đã đến nơi bình an mà còn được tin các anh em khác ở đó vẫn mạnh khỏe. Xin Đức Giê-su Ki-tô, Đấng cứu độ chúng ta ban cho anh em ân sủng thật dồi dào hầu anh em có thể hướng việc học theo đích nhắm được đề nghị mà không để lơi lỏng cánh cung ý hướng của mình. Anh em sẽ hoàn tất việc học trong niềm vui chiến thắng mà anh em đoạt được trong Chúa nếu như, với tinh thần của người ham hiểu biết những điều cao cả, anh em không làm tắt mất tinh thần của người ham cảm nếm những điều thánh thiêng.

Đó là ao ước của tôi và cũng như của Dòng. Ao ước này sẽ được thực thi cách suông sẻ dưới sự hướng dẫn của Đức Ki-tô, miễn là vị Sư Phụ cao cả và là Đấng ghi khắc tri thức tối hậu tiếp tục hướng dẫn anh em. Tôi muốn nói đến Thánh Thần, nơi Người tất cả những gì chúng ta biết, thì chúng ta biết chắc, và nếu không có Người thì người nào tưởng mình hiểu biết điều gì, thì chưa hẳn là đã hiểu biết như phải hiểu biết. (x. 1 Co 8,2).

Thậm chí cả những lời của chính Đức Ki-tô, vị Thầy muôn thuở của chúng ta cũng cần đến sự trợ giúp của Thánh Thần, Đấng hướng dẫn cao cả, theo như lời đã chép: “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.” (Ga 14, 26). Tin Mừng đã không chỉ nói “làm cho anh em nhớ lại” mà trước tiên là “dạy dỗ”. Vì vậy, nếu Đức Ki-tô, là Thầy, là Ánh Sáng và An bình của chúng ta muốn chúng ta mặc lấy Thần Khí của Người, không chỉ trong những chuyển động của ý chí và tình cảm mà còn trong ý thức tri thức, thì Thần Khí của Đức Ki-tô còn cần thiết hơn biết bao trong việc thu thập kiến thức từ những vị thầy không phải là Đức Ki-tô Chúa chúng ta! Anh em đã biết gương của thánh Tôma Aquinô: thánh nhân không những chăm chỉ ôn tập bài vở trong tinh thần cầu nguyện, dù đó là môn khoa học hay đạo lý đức tin, mà còn chuẩn bị chúng với vị Thầy nội tâm trước khi lên lớp nghe giáo sư giảng. Nói tóm lại, điều tôi xin anh em trong Đức Ki-tô là anh em hãy luôn chuẩn bị tâm hồn với sự trợ giúp của vị Thầy nội tâm và sau đó cùng ôn luyện với Người.

Tôi rất vui mừng trong Thiên Chúa vì anh em có được thuận lợi lớn lao hơn chúng tôi rất nhiều, ít ra là với cá nhân tôi. Trước khi hiến mình cho việc học, anh em đã tỏ tường đâu là đích mà anh em phải hướng việc học vào, qua việc hết lòng theo đuổi những ý hướng đã được gạn lọc kỹ càng. Vì thế, anh em đã nắm được nền tảng của mọi minh triết mà vì nó anh em đã bắt đầu việc học, anh em đã biết đích đến mà anh em sẽ hoàn tất, anh em đã thủ đắc chân lý của các phương tiện. Cho nên không có lý do gì mà anh em không thấy bình an trong tâm hồn, không chỉ lúc bắt đầu hay lúc kết thúc mà còn (dĩ nhiên là theo một kiểu khác) trong thời gian học tập nữa.

Vì anh em đã lên đường hướng về mục đích, nhờ trợ lực của Đức Ki-tô, Đấng là sự sống, mà trong Người, cuối cùng anh em sẽ tìm thấy sự an nghỉ trọn vẹn, vì anh em đã cất bước trên trực lộ là Đức Ki-tô, nên hệ quả chắc chắn là trong chân lý của giai đoạn trung gian, nghĩa là trong giai đoạn học hành, anh em cũng sẽ tìm được an nghỉ trong Đức Ki-tô, Đấng Trung Gian của chúng ta, Đấng từ Chúa Cha mà đến và đã đến thế gian cũng như lại bỏ thế gian mà đến cùng Chúa Cha (x.Ga 13,3 hoặc Ga 16,28).

Anh em hãy tạ ơn Thiên Chúa chúng ta. Phần chúng tôi, chúng tôi cũng làm điều ấy dù cho (như tôi đã nói lúc nãy) chúng tôi không có cơ hội học hành trong sự thật như anh em. Thật vậy, hồi ấy chúng tôi cứ ngỡ rằng tự các khoa học nhân văn đã đủ giúp chúng tôi khám phá ra nguyên lý và mục đích của chúng, và đồng thời cho chúng tôi biết chúng đóng vai trò phương tiện như thế nào. Vì trước tiên là không sở hữu được tri thức đúng đắn về nguyên lý để có thể bắt đầu cách bình an cũng như không biết mục đích để quy hướng về, nên chúng tôi đã tiến bước một cách thiếu trật tự và mất bình an trong việc sử dụng những phương tiện. Chúng tôi đã không biết tìm ra điều thiện ích trong chân lý của các nghành khoa học nhân văn, vì lý do là chúng tôi đã lẫn lộn giữa mục đích và phương tiện.

Một trong những yếu đuối khác của chúng tôi (ít ra là trong trường hợp của tôi) là đã không ý thức rằng Thập Giá cũng đáng có một chỗ, dù ở đầu, ở cuối hay ở giữa. Còn anh em thì khác, anh em biết rằng vị trí chính yếu của Thập Giá là ở giữa, bởi vì Thập Giá là sự hiện diện của Đức Giê-su Ki-tô Trung Gian. Anh em được làm một với Thập Giá, được biết và cảm nếm cung cách hành xử của Đức Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh, Đấng mà hết thảy chúng ta đều đội ơn, người thì được gìn giữ khỏi tội lỗi, người thì được kéo ra khỏi tội lỗi nhờ ân sủng và lòng thương xót. Thuận lợi mà anh em có hơn chúng tôi thì không nhỏ đâu. Được như thế, anh em không chỉ thu lợi về thời gian mà còn biết được bí quyết mà bằng thói thường người ta sẽ không thể nào đạt được. Bí quyết ấy là chính Đức Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh. Chính Người là Đấng chúng ta rao giảng, Đấng chúng ta đề nghị làm khuôn mẫu sống, không chỉ dưới bóng dáng của một quân vương hiển hách và quyền lực, mà phải trung thành với cách Người tỏ hiện, đó là một Đấng Ki-tô bị đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ, nhưng đối với những người công chính Đấng ấy chính là Đức Ki-tô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. (1 Co 1,23).

Tôi đã trao thư của anh em cho Đức Hồng Y Contarini[1], người đã cư xử như một người cha gìn giữ kỷ niệm về anh em. Ngay lập tức người muốn đọc thư của anh em dù rất bận và người hết sức hài lòng.

Còn về chuyện tôi lao tác trong cánh đồng của Chúa ở đây, những chuyện vượt quá sức lực của tôi, tôi không ao ước kể cho anh em vào lúc này, hơn nữa tôi nghĩ chuyện này không cần thiết vì anh em có thể lấy thông tin dễ dàng từ các thư mà tôi gửi về Roma.

Sự vụ đức tin có chuyển biến nhưng không lấy gì bảo đảm, đến độ mà chúng tôi chỉ còn trông cậy trực tiếp vào Chúa mà thôi; ý tôi muốn nói là các phương tiện loài người thì kể như không, nhưng tôi thấy rất rõ rằng để đẩy lùi tệ lạc giáo, nếu các phương tiện càng mong manh thì chúng ta càng được ban cho nhiều tâm hồn, trong đức tin, muốn hướng đời mình cho một công cuộc ưu tiên hơn[2], nghĩa là hướng mình tới một cuộc sống cao cả hơn, bằng không, Ta đến với ngươi, và Ta sẽ đem cây đèn của ngươi ra khỏi chỗ của nó. (x.Kh 2,5)

Vì công cuộc ấy, cầu mong sao cho có thật nhiều người thợ; cầu mong sao cho cuối cùng những người muốn xây dựng đức tin công giáo biết bắt đầu ngay lúc này, bằng lời nói và cuộc sống của mình, tái xây dựng và xây dựng nền tảng phong hóa, nhất là khi chúng ta không đủ sức mạnh để chống lạc giáo chỉ bằng các khoa học nhân văn. Thế giới đã đi đến một tình trạng vô tín đến nỗi cần phải có những luận cứ bằng việc làm và cả đến máu; nếu không sai lầm sẽ trầm trọng hơn mà thôi.

Đối với những người lạc giáo ở đây hay ở nơi khác, từ lúc này, lời nói và lý trí không còn đủ sức nữa. Đó là lý do tại sao anh em có thể nói cho những kẻ học thức ở Paris rằng họ phải ra công tìm kiếm tinh thần sống động của các khoa học nhân văn, nhờ cuộc sống gương mẫu dưới mắt Đức Ki-tô, hầu vực dậy đức tin của những người sa ngã.

Tôi ngưng bút ở đây và xin anh em chuyển lời khen ngợi của tôi đến tất cả anh em, đặc biệt là Caceres, Miona, gửi lời chào đến các giáo sư của chúng ta, đến Ông Gueva và tất cả những người khác, những người mà anh em biết rằng họ sẽ vui mừng khi nghe lời chào thăm của tôi.

Nguyện xin Thiên Chúa cho anh em có được cảm thức về Ngài bằng lòng mến Chúa và sự nhẫn nại của Đức Kitô.

Từ Ratisbonne, ngày 12 tháng 05 năm 1541,
người bạn đường thân mến của anh em trong Đức Ki-tô
Phêrô Favre

[1] Gaspard Contarini, Hồng Y người Venice, đã góp công lớn trong việc chuẩn nhận Dòng Tên.
[2] Nguyên văn tiếng La- tinh: ad opera priora.
ros star ros star ros

Về phần mình, Cha Giêrônimô Nadal cũng đã suy nghĩ và cầu nguyện về việc học trong Dòng. Ba đoạn trích từ Nhật ký thiêng liêng dưới đây chứng tỏ sự quan tâm của ngài (MHSJ, Nadal, IV, tr.718-719, 683, 714). Ngài tự vấn rằng tại sao chúng ta không dùng khuôn khổ mà phương pháp suy niệm trong Linh Thao giới thiệu để áp dụng cho việc học. Dù sao đi nữa thì chiêm niệm sẽ soi sáng việc học và khơi lên nơi nó ao ước đào sâu về đàng thiêng liêng. Đồng thời sự ý thức nội tâm này phải trở thành một hành động đã trải nghiệm hầu có thể phục vụ tha nhân.

Các học viên có thể rút được thêm nhiều ích lợi từ việc học cũng như giờ lớp nếu những việc này được thực hiện theo cung cách của những bài Linh Thao.

Trước khi lên lớp nghe giảng, có thể chuẩn bị bằng lời cầu nguyện, tiếp đến đọc trước bản văn mà các giáo sư sắp diễn giải cũng như lướt qua một lượt điều mà tôi gọi là lịch sử; thêm vào đó nếu một hình ảnh nào đó giúp cho tôi hiểu bài tốt thì cũng có thể lướt qua nó, thứ ba là đặt trước mắt mình mục đích mà Dòng theo đuổi như là mục đích của lớp học sẽ theo cũng như mọi điều khác. Hành trình này tương ứng với ba tiền dẫn của Linh Thao.

Về ba điểm để suy niệm, giáo sư sẽ thực hiện điều này khi giải thích bài học, còn sinh viên thì nghe và lĩnh hội. Ở điểm này điều mà ta cần làm là huấn luyện trí năng, trong khi trong Linh Thao thì ý chí và cảm nghiệm bên trong mới là điều cần tìm. Việc này trong môn thần học thì khá dễ. Còn đối với những môn học khác nếu muốn thành công thì cần sự luyện tập kiên trì. Có thể suy niệm các bài học hàng ngày để thay cho việc đối thoại thiêng liêng. Những ai không phải theo các lớp trong khi vẫn còn trong giai đoạn học tập vẫn có thể thực hiện việc này cách dễ dàng và áp dụng cơ cấu này.

Trước hết phải đọc Kinh Thánh và khi đọc, luôn luôn đặt mình trong đức tin, trong khiêm nhường, đơn sơ và đạo đức; khi đọc lần đầu, chỉ cần khám phá ra phương tiện hầu có thể chuẩn bị mình để xin được những ơn đã nói trên, tránh đi vào một bài thao luyện trí năng; ngược lại, phải đọc và lắng nghe theo kiểu một bà già đơn sơ và đạo đức. Khi đọc lần hai và muốn thực hành trí năng, hãy đọc những chú giải đã được Giáo Hội chấp nhận. Cuối cùng, chính Thiên Chúa sẽ là Đấng mở trí cho ta để ta có thể khám phá ra những ý tưởng phù hợp với phán đoán của Giáo Hội và các thánh Tiến sĩ, vì lợi ích của Hội Thánh và chống lại sự kháng cự của những kẻ lạc giáo.
* * *
Việc học phải được giám sát sao cho khi học xong thì ta không còn cần làm việc trên sách vở nữa; những gì Chúa đã ban cho ta trong học tập, hãy sử dụng chúng để mưu ích cho chính ta và tha nhân. Hãy thực hành những điều đã học cách tuần tự giữa suy niệm và chiêm niệm. Nhờ hai hành vi này, cùng với lòng thương xót của Chúa, nền học vấn nhân bản của ta sẽ nên hoàn thiện, được soi sáng và góp phần cho ơn cứu độ nhiều người. Tuy nhiên, trong chuyện này cũng như nhiều chuyện khác, mỗi người nên phó mình vâng phục bề trên chính thức của mình.
* * *
Ta có thể học thần học theo ba cách: thứ nhất là việc học mang tính suy tư ngay cả đến những vấn đề thực tiễn; thứ hai là việc thực hành, theo quan điểm luân lý và thứ ba là phương thức thần bí và thiêng liêng.

Những người nào thích làm việc trí thức, giỏi hay dở tính sau, có thể sử dụng phương cách thứ nhất và có thể thành công, miễn là người ấy phải có khả năng tư duy, nghĩa là người ấy phải thực sự có năng khiếu đối với loại học vấn như thế. Những người có cá tính năng động có thể sử dụng phương cách thứ hai, dẫu cho người ấy không phải là một chân dung thiêng liêng vượt trội và trong đời nội tâm chưa có một kinh nghiệm thần bí nào.

Chỉ có những người khiêm tốn và giản dị trong Đức Ki-tô mới có thể tiếp cận cách thứ ba. Trong chuyện này, những gì Thánh Giêrônimô và các thánh khác đã nói thật là đúng đắn, nhưng người ta hiểu rất sơ sài và áp dụng rất ít: Thánh Kinh chỉ hoàn toàn được hiểu khi Thánh Kinh được đem ra thực hành, nghĩa là khi ta, qua hành động, hoàn tất những gì phải được hoàn tất, và cùng lúc ta hiểu và nắm được Lời Chúa cách nội tâm. Đó chính là những gì Đức Ki-tô đã nói: “Nếu anh em ở lại trong lời của Thầy, thì anh em thật là môn đệ của Thầy, anh em sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng anh em.” (Ga 8,32) Tuy nhiên, vì trong sự hiểu biết nội tâm ấy, chúng ta có thể bị sai lạc hay bị đánh lừa, nên chuẩn tắc ta cần ở đây là những chân lý mà chúng ta có được nhờ trực giác không được đi ngược lại với những chân lý học từ các giáo sư, những chân lý được thiết lập từ suy tư trí thức và nghiên cứu thần học; thêm vào đó, tất cả những chân lý ấy phải quy phục trước phán quyết của Giáo Hội, rồi đến của Dòng hay của những con người có phán đoán ngay chính.

Dịch từ bản tiếng Pháp, Notes Ignatiennes, no. 6, 1956.
Bùi Quang Minh s.j.

fikir tension sengihnampakgigi love angel

1 comment:

  1. Cám ơn bác Minh nhiều nhé!
    Bài dịch này rất hữu ích để động viên tinh thần học tập của anh em!

    ReplyDelete

Facebook Twitter Delicious Favorites More

 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang