I want to love you more!

Friday, March 18, 2011

THÁNH GIUSE - Giuse Nguyễn Văn Lộc, sj

THÁNH GIUSE
« Bạn Trăm Năm » của Đức Maria,
« Cha Nuôi » của Đức Giêsu

Mt 1, 18-25
18Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô: bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần.19 Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo.
20
Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: « Này ông Giu-se, con vua Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần.21 Bà sẽ sinh hạ một con trai và ông sẽ đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ. »
22
Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ:23 Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là « Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta. »
24
Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà.25 Ông không ăn ở với bà, cho đến khi bà sinh một con trai, và ông đặt tên cho con trẻ là Giê-su.


Thánh Giuse thường chỉ được nhìn ngắm trong phạm vi của Thánh Gia, cụ thể là trong tương quan « gia đình » với Đức Maria và Đức Giêsu. Nếu như thế và theo cảm thức thông thường, chúng ta có thể nói rằng đó là những tương quan thật ‘xót xa’.
Thánh Giuse đã đón nhận Đức Giêsu vào cuộc đời của mình một cách tự do và nhưng không, và ngài đã thực hiện đến quên mình trong âm thầm. Các giấc mộng của ngài, rất tĩnh lặng nhưng tràn đầy tương quan ngôi vị, diễn tả cách tuyệt vời sự cho đi chính mình cách trọn vẹn này.

  • Thánh Giuse là « bạn trăm năm » của Đức Maria, nhưng ai trong chúng ta cũng biết là không theo cách thức vợ chồng sống với nhau bình thường. Ngài sống trọn đời với người mình yêu, nhưng, như người ta thường nói đùa mà lại rất thật : « chẳng sơ múi gì ». Có thể nói, ngài như bị Thiên Chúa lấy mất cái quyền bình thường nhưng cao quí của một người chồng và một người cha.
  • Thánh Giuse là « cha nuôi », chứ không phải là cha ruột của Đức Giêsu, trong khi Đức Maria là Mẹ ruột. Ngài như là người chứng kiến bất lực trước một cuộc sinh ra hoàn toàn do Thiên Chúa sắp đặt ; vì thế, bao nhiêu hào quang và vinh dự Đức Mẹ lãnh hết, và hào quang và vinh dự lớn nhất là tước hiệu « Mẹ Thiên Chúa » !
Rồi thánh Giuse kết thúc cuộc đời trong thinh lặng, thinh lặng cũng lớn như chính cuộc đời của Ngài. Chỉ có những bộ phim về cuộc đời Đức Giêsu mới nói tới cái chết của thánh Giuse, còn các Tin Mừng và cả Truyền Thống nữa hoàn toàn không nói gì. Và trong chính cách thức đảm nhận những tình cảnh « éo le » như thế, mà tất cả những nhân đức của thánh Giuse được người ta suy đoán ra : công chính, trong sạch, thầm lặng, lắng nghe, vâng phục, hi sinh, nhẫn nại, chịu thương chịu khó, khiêm tốn, hiền lành, khôn ngoan, trung tín, cần cù, tận tụy… ; đức ái, tỉnh thức và cầu nguyện là những nhân đức « mới nhất » mà người ta vừa mới suy ra[1].

Tất cả những nhân đức nêu trên đều đúng, nhưng, theo những gì mà Tin Mừng Matthêu muốn nói cho chúng ta về thánh Giuse, vẫn chưa diễn tả hết được đức công chính đích thực của Thánh Giuse và tầm mức sứ mạng mà ngài được Thiên Chúa mời gọi đảm nhận trong kế hoạch cứu độ.

1. Thánh Giuse và lịch sử cứu độ

Ngay trang đầu tiên của Tin Mừng theo thánh Matthêu (Mt 1, 1-17), thánh Giuse đã được định vị như điểm tới, hay ít nhất như là tên gọi cuối cùng, của cả một gia phả lớn lao diễn tả lịch sử cứu độ, khởi đầu với tổ phụ Abraham. Và gia phả này là gia phả hay chính xác hơn là « nguồn gốc » của Đức Giêsu Giêsu Kitô, Con Đavít, Con Abraham. Abraham – Đavít – Giêsu, chính nhờ thánh Giuse, hay chính xác hơn nhờ lời « xin vâng » trong tự do của thánh Giuse mà ba « thánh danh » này được kết nối, và như thế làm cho lịch sử cứu độ được hoàn tất. Tin Mừng Luca kể lại việc mang thai và sinh ra Người Con của Đức Trinh Nữ, còn Tin Mừng Matthêu tường thuật lại việc sinh ra của Đấng Messia, Con vua Đavít ngang qua sự ưng thuận hoàn toàn vô điều kiện của thánh Giuse. Chúng ta được mời gọi chiêm ngắm tiên vàn một Thánh Giuse như thế đó.

Như chúng ta đều biết và đôi khi cảm thấy tiếc vì thánh Giuse của chúng ta hoàn toàn vắng mặt trong thời gian Đức Giêsu công bố mầu nhiệm Nước Trời, và chắc chắn ngài cũng không có mặt thật trọn vẹn trong thời gian Đức Giêsu sống ẩn dật. Tuy nhiên, những gì xẩy ra cho Đức Giêsu từ lúc sinh ra cho đến khi từ Ai Cập trở về (Mt 2, 1 – 23) như đã báo trước cả cuộc đời của Đức Giêsu rồi.
  • Được nhìn nhận bởi các đạo sĩ đến từ phương xa, nhưng cũng có biết bao nguy hiểm rình rập gây ra bởi vua Hêrôđê, các thượng tế, các luật sĩ (Mt 2, 1-12). Như thế, những gì sẽ xẩy ra cho Đức Giêsu trong thời gian rao giảng Tin Mừng Nước Trời như đã được báo trước ở đây.
  • Lánh sang Ai Cập, nhưng những trẻ vô tội phải đổ máu (2, 16-18). Sau này chính Đấng Vô Tội sẽ đổ máu trên Thập Giá.
  • Trở về « Đất Hứa » bình an để làm nên « Tổ Ấm Thánh Gia » (2, 19-23). Chúng ta có thể nhận ra nơi biến cố trở về này hình ảnh của ơn Phục Sinh và Đại Gia Đình Nước Trời.
Thánh Giuse đã có mặt suốt cuộc hành trình này, hành trình họa lại lịch sử cứu độ và loan báo cuộc đời Đức Giêsu ; ngài không chỉ có mặt thôi, nhưng còn gánh vác bằng cách liên tục vâng theo sự dẫn dắt của chính Thiên Chúa. Đức Maria đã có mặt dưới chân Thập Giá, còn thánh Giuse có mặt trong biến cố loan báo Thập Giá, và cũng là biến cố làm tái hiện lại biến cố Ai Cập xưa của dân Thiên Chúa. Và khi nói tới biến cố Ai Cập xưa, chúng ta không thể không nhớ tới một Giuse khác, Giuse « đứa con cưng » của tổ phụ Giacóp, còn được gọi là Israel (x. St 37-50).

Chính trong cái nhìn rộng lớn của lịch sử cứu độ, vốn được ấn định để mở rộng cho toàn thể lịch sử nhân loại, mà chúng ta mới có thể hiểu được tầm mức lớn lao của sứ mạng mà thánh Giuse được mời gọi đảm nhận, đồng thời nhận ra rằng ngài là tác nhân ưu tuyển của tương quan giữa Thiên Chúa và Đức Giêsu. Và bao lâu cái nhìn của chúng ta còn tập trung vào vai trò « bạn trăm năm hờ » và vai trò « cha nuôi » của thánh Giuse đối với “phép lạ” sinh ra đồng trinh, và vào những nhân đức « siêu nhân » của ngài, thì vai trò của ngài còn hoàn toàn bị thu hẹp lại ; bởi lẽ, chúng ta sẽ giản lược thánh Giuse vào vị trí của người chứng kiến bất lực trước một cuộc sinh ra hoàn toàn do Thiên Chúa sắp đặt. Trong khi đó, biến cố sinh ra của Đức Giêsu, khi được nối kết với chiều kích lịch sử đã qua và sẽ đến, sẽ làm cho chúng ta nghiệm ra rằng ngài đã được giao phó một sứ mạng thật lớn lao, và vì sứ mạng này mà Thiên Chúa đã chọn ngài và đã chuẩn bị thật lâu từ trước, từ khởi đầu vô hạn của lịch sử Đức Giêsu.

2. Thánh Giuse và Đấng Emmanuel

Sau phần giới thiệu và trình bày bối cảnh (c. 18-19), trình thuật của thánh Matthêu được triển khai thành ba phần :
  • Loan báo cho Giuse (c. 20-21).
  • Trích dẫn Kinh Thánh (c. 22-23).
  • Thực hiện lời loan báo (24-25).
Cả ba phần đều nói về cùng một biến cố : Bà sẽ sinh hạ một con trai và ông sẽ đặt tên cho con trẻ là Giêsu (c. 21); Trinh nữ sẽ sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel (c. 23); bà đã sinh hạ một con trai, và ông đã đặt tên cho con trẻ là Giêsu (c. 24). Biến cố trước hết được thiên thần loan báo cho Giuse, sau đó được xác chuẩn như là sự hoàn tất lời Kinh Thánh về Đấng Emmanuel, và sau cùng được thực hiện. Như thế, sứ điệp chính yếu của trình thuật Matthêu, không phải là nói cho chúng ta về sự thụ thai lạ lùng, nhưng là sứ mạng của thánh Giuse. Sứ mạng này gồm hai bước: đón nhận Đức Maria vào nhà mình và đặt tên cho Người Con.

Thiên Chúa cần sự cộng tác của thánh Giuse, vì Ngôi Lời sinh ra vẫn chưa đủ, cho dù đây là cuộc sinh ra lạ lùng về khía cạnh sinh học. Bởi vì Ngài còn phải hội nhập vào một gia tộc và một dân tộc với một lịch sử và một nền văn hóa đặc thù ; qua đó, Ngài mang lấy « thân phận con người ». Để có được chiều kích nền tảng này của mầu nhiệm nhập thể, Con Thiên Chúa cần một người đàn ông nhận mình làm con một cách tự do. Thật vậy, khi đón nhận Mẹ Maria và hoa trái trong lòng Mẹ, thánh Giuse làm cho Người Con đi vào trong dòng tộc Đavít, nghĩa là đi vào lịch sử và nền văn hóa của một dân tộc; và khi đặt tên, ngài nhận Con Trẻ làm con của mình một cách chính thức. Vì thế, khi loan báo, thiên thần đã gọi thánh Giuse một cách long trọng: “ông Giuse, con vua Đavít”. Chúng ta hãy hình dung ra tình cảnh một em bé được sinh mà không có cha, và tình cảnh này không hề hiếm thấy trong xã hội chúng ta hôm nay. “Có cha” ở đây không theo nghĩa sinh học (vì ai mà chẳng có cha theo nghĩa sinh học), như chúng ta vẫn hiểu như thế khi nói: em bé sinh ra không cha; nhưng theo nghĩa là phải có ai đó nhìn nhận và đưa vào trong một tương quan gia đình, gia tộc, dân tộc (với một lịch sử và một nền văn hóa) và qua đó tương quan gia đình nhân loại. Được sinh ra là một chuyện, có được người sinh ra mình hay một ai khác nhìn nhận mình không, lại là một chuyện khác; và đây mới là yếu tố quyết định một đời người. Trong thế giới chúng ta đang sống, hằng ngày vẫn có biết bao nhiêu em bé được sinh ra, mà không được nhìn nhận, được sinh ra nhưng bị ruồng bỏ[2]. Vì thế, xã hội chúng ta vẫn còn cần những « Giuse khác », những « cha nuôi » khác.

Nhận một trinh nữ mang thai về nhà, rồi sau đó đặt tên cho em bé, đó là một việc thật giới hạn trong không gian và thời gian. Nhưng ý nghĩa của hành động này thật lớn lao, vì thánh Giuse sẽ làm cho Con Trẻ mới sinh trở thành “Con Vua Đavít”, một tước hiệu có tính quyết định trong sứ mạng của Đức Giêsu, và nhất là trở thành Đấng Emmanuel, Thiên Chúa-Ở-Cùng-Chúng-Ta. Quả vậy, sau này, Đức Giêsu sẽ có một tương quan mật thiết từ rất sớm với Chúa Cha, được diễn tả trong trình thuật ở lại Đền Thờ theo Tin Mừng Luca (Lc 2, 49) và trở nên một với Chúa Cha: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14, 9). Nếu như thế, chúng ta phải coi trọng hình ảnh đầu tiên về người cha mà Đức Giêsu có được trong ý thức của mình; và hình ảnh này chỉ có thể là « bố Giuse » của Đức Giêsu. Bởi lẽ, mầu nhiệm Nhập Thể đã diễn ra thực sự chứ không chỉ ở vẻ bề ngoài.

Sứ mạng lớn lao như thế, nhưng trong thực tế, thánh Giuse chỉ nhận được mỗi tước hiệu “Cha Nuôi” của Đức Giêsu! Cái nhìn của chúng ta về thánh Giuse bị chi phối nặng nề bởi bình diện sinh học, hay nói một cách trí thức hơn, bình diện bản tính. Chúng ta phải vượt qua cái nhìn sinh học, máu mủ huyết thống. Bởi vì yếu tố quyết định trong tương quan của thánh Giuse và Thánh Gia là sự lựa chọn tự do. Và đó chính là tương quan của Nước Trời : do bởi Tinh Yêu tự do nhưng không, chúng ta được trở nên con cái Thiên Chúa ; vì thế, chúng ta được mời gọi nhìn nhận nhau là anh chị em của nhau, theo cách thức Đức Giêsu đón nhận mỗi người chúng ta. Thánh Giuse đã không nghe đuợc câu nói này của Đức Giêsu : « Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em, là mẹ tôi » (Mc 3, 35), nhưng ngài đã sống trọn vẹn điều này trước đó thật lâu. Có thể nói chắc chắn rằng, trước khi công bố lời này, Đức Giêsu đã kinh nghiệm được tương quan mới mẻ này nơi thánh Giuse. Như thế, lý do tận cùng của sự kiện thánh Giuse là « bố » của Đức Giêsu, « bố đích thực », chính là vì ngài đã thi hành ý muốn của Thiên Chúa.

Khi thi hành ý muốn của Chúa Cha, chúng ta được tháp nhập vào trong tương quan mới mẻ và phổ quát này, tương quan anh chị em với Đức Giêsu và tương quan anh chị em với nhau ; và như Đức Giêsu, chúng ta có một người bố là thánh Giuse, ngài là quà tặng tuyệt vời của Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta.

3. Thánh Giuse, người công chính

Người ta thường hiểu đức công chính của thánh Giuse là đức công chính theo Lề Luật, bởi lẽ ngài quyết định từ bỏ vị hôn thê của mình, vốn có thai trước khi về nhà chồng; nhưng ngài cũng là người nhân từ, nên không muốn làm to chuyện mà chỉ hành động cách kín đáo mà thôi. Tuy nhiên cách hiểu này hướng chúng ta đến “nhân đức” của thánh Giuse, trong khi tác giả Tin Mừng lại muốn bày tỏ cho chúng ta vai trò của thánh Giuse trong lịch sử cứu độ; hơn nữa, bản văn không cho phép chúng ta hiểu như thế.

Luôn cho rằng thánh Giuse là người công chính theo Lề Luật, nhưng để loại bỏ vấn nạn: “công chính mà lại đi bao che tội phạm!”, ngày nay người ta nghĩ rằng thánh Giuse đã biết là Đức Maria vô tội, và vì thế ngài muốn che dấu điều mà ngài không thể hiểu tại sao lại ra như thế! Cách giải thích ở bình diện tâm lí này làm nhiều người hài lòng, vì nó vừa làm thỏa mãn những tâm tình kính mến đối với Đức Nữ Đồng Trinh, vừa làm cho việc thụ thai đồng trinh rạng ngời nơi chính thánh Giuse. Giải thích này thật đẹp, nhưng lại thiếu căn cứ trên bình diện bản văn, bởi lẽ tác giả Tin Mừng chẳng nói gi về chuyện thánh Giuse biết được đức hạnh của Mẹ Maria.

Trình thuật Tin Mừng của chúng ta về thánh Giuse không có hai sứ điệp: loan báo sự thụ thai đồng trinh và mặc khải vai trò của thánh Giuse, sứ điệp thứ nhất làm nền tảng cho sứ điệp thứ hai. Bản văn chỉ có một sứ điệp mà thôi, đó là vai trò của thánh Giuse. Ngài được mời gọi đảm nhận vai trò này, một cách chính xác không phải là vì Đức Maria thụ thai đồng trinh, nhưng bất chấp sự thụ thai này. Nếu quyền năng của Thánh Linh làm cho việc thụ thai đồng trinh xẩy ra, thì thánh Giuse vẫn có một sứ mạng phải đảm nhận như chúng ta đã trình bày ở trên. Và đức công chính của thánh nhân được thể hiện ngang qua cung cách ngài đảm nhận sứ mạng này. Ngài là người công chính, không phải vì tuân giữ thật nhiệm nhặt Lề Luật, vốn cho phép li dị trong trường hợp ngoại tình, cũng không phải vì tỏ ra quá nhân từ đối với Đức Maria, cũng không phải vì lẽ công bằng mà ngài phải thực hiện đối với vị hôn thê vô tội, nhưng trong mức độ ngài không muốn âm thầm tự biến mình trở thành cha của Con Trẻ thần linh như không có chuyện gì. Nếu ngài sợ rước Đức Maria về nhà, đó không phải là vì động lực tính toán hơn thiệt, nhưng vì ngài khám phá ra một “nhiệm cục” lớn hơn nhiệm cục hôn nhân mà ngài đang dự kiến. Thánh Giuse thận trọng rút lui trong sự tinh tế của đức công chính mà ngài nỗ lực thể hiện đối với Thiên Chúa, ngài không muốn “phát tán” mầu nhiệm thần linh đang hình thành nơi Đức Maria. Nhưng, Đức Chúa muốn bảo đảm tương lai cho Người Trinh Nữ Ngài đã tuyển chọn và Ngài thay đổi kế hoạch của Ngài dành cho thánh Giuse. Thiên Chúa can thiệp và thánh Giuse vâng phục. Lời xin vâng rất lặng lẽ nhưng thật lớn lao.

Như thế, thánh Giuse bày tỏ sự công chính của mình cả trong ý định rút lui âm thầm lẫn trong lời xin vâng quảng đại; và ngài đảm nhận sự ưng thuận của mình cho đến cùng. Nơi đức công chính của thánh Giuse, và một thánh Giuse được định vị trong lịch sử cứu độ, chúng ta sẽ khám phá ra rằng đó còn là và nhất là đức công chính mà Thiên Chúa ban cho ngài. Bởi vì, ngài đã được Thiên Chúa chọn và chuẩn bị cách nhưng không từ trước muôn thủa để cộng tác vào kế hoạch cứu độ.

4. Thánh Giuse, con người « mơ mộng »

Thánh Giuse được mời gọi cộng tác vào kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa và nhất là vào tiến trình « nhập thể » của con Thiên Chúa, nhưng ngài lại nghe được tiếng gọi đảm nhận sứ mạng lớn lao này ngang qua những giấc mơ nhỏ bé và âm thầm của Ngài ; bốn biến cố khúc quanh trong giai đoạn đầu của mầu nhiệm Nhập Thể ứng với bốn giấc mơ của thánh Giuse: trước khi ngài đón Đức Maria về chung sống, đưa gia đình đi trốn sang Ai Cập, đưa về quê hương và cuối cùng đưa đến lập nghiệp ở Nazareth (Mt 1, 20 ; 2, 13.19.22). Phải chăng đó là vì khi nằm mơ, con người chúng ta trở nên yếu ớt nhất, ít kháng cự nhất đối với ý muốn của Thiên Chúa? Nếu đúng như thế, các giấc mơ có thể được hiểu như một ngôn ngữ diễn tả sự ưng thuận trọn vẹn của Thánh Giuse đối với ý muốn của Thiên Chúa. Sự ưng thuận đến quên mình. Chúng ta không thể không so sánh sự ưng thuận này với lời “xin vâng” của Đức Maria; và chúng ta có thể nhận ra rằng sự ưng thuận của thánh Giuse thật là tuyệt đối! Để Ngôi Lời nhập thể, Thiên Chúa cần hai lời xin vâng chứ không phải một.

Cũng như Đức Maria, thánh Giuse đã can đảm để cho Đức Giêsu đến với lịch sử nhân loại và thế giới con người cách thực sự và trọn vẹn ngang qua cuộc đời nhỏ bé của mình. Thánh Giuse không sinh ra Đức Giêsu, nhưng ngài đã cưu mang thực sự Đức Giêsu trong những tháng năm dài để làm cho ngài lớn lên và đi vào lịch sử (cá nhân, nhóm, dân tộc và cả nhân loại). Phải chẳng đó cũng là sứ mạng của mỗi người chúng ta?
* * *

Thánh Giuse đã đón nhận Đức Giêsu vào cuộc đời của mình một cách tự do và nhưng không, và ngài đã thực hiện đến quên mình trong âm thầm. Các giấc mộng của ngài, rất tĩnh lặng nhưng tràn đầy tương quan ngôi vị, diễn tả cách tuyệt vời sự cho đi chính mình cách trọn vẹn này. Nhưng thánh Giuse còn có một sự thinh lặng lớn hơn nữa, đó là cách ngài « vượt qua » cuộc đời này : im lặng tuyệt đối nhưng nói cho chúng ta biết bao điều. Thật vậy, chúng ta không có một lời nào của các Tin Mừng và chẳng có truyền thuyết nào nói về sự ra đi của thánh Giuse ! Khác hẳn với Đức Maria. Chẳng một lời nào, nhưng lại thâu tóm hết mọi sự, như chính cuộc đời của ngài đấy thôi. Vì đó là :
  • Cái chết của một người chồng, người cha, người bạn, người lao động bình thường, như bao người khác trong đời thường.
  • Cái chết của người công chính, như bao người công chính khác trong lịch sử cứu độ và lịch sử loài người.
  • Và tất cả là để cho Đấng Emmanuel, Thiên Chúa-Ở-Cùng-Chúng-Ta hiển hiện.
Nhưng « người hiền lành sẽ có được đất » (Tv 37, 11 ; Mt 5, 4). Lời hứa này đã được thực hiện cho thánh Giuse, đang được thực hiện cho những « Giuse khác » và cho biết bao con cái, nam cũng như nữ, của thánh Giuse.

Giuse Nguyễn Văn Lộc , S.J.

[1] ĐGM. GB. Bùi Tuần, “Ơn khôn ngoan nơi thánh Giuse”, Công Giáo và Dân Tộc, số 1547, 3-9/3/2006, trang 18-19.
[2] Đó là khởi đầu của bộ phim “I am Sam”.
...............................................................................

0 nhận xét to" THÁNH GIUSE - Giuse Nguyễn Văn Lộc, sj "

Post a Comment

Facebook Twitter Delicious Favorites More

 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang