HỐI NHÂN TỰ THÚ LỖI
Một hội nghị đã được tổ chức tại Blackfriars, Oxford nhân kỷ niệm mười năm ngày mất của thần học gia nổi tiếng Dòng Đa Minh, Herbert McCabe - người đã giải thích rằng nếu con người ý thức mình đã phạm tội, thì tự thân ý thức này đã chứa đựng lòng ăn năn hay sự tha thứ.
Thật điên rồ nếu người ta nghĩ rằng khi chúng ta làm điều tốt thì Thiên Chúa sẽ thưởng công, còn nếu chúng ta làm điều xấu thì Ngài sẽ trừng phạt chúng ta. Tôi muốn nói là nếu những Ki-tô hữu có ý nghĩ rằng Thiên Chúa đối xử với chúng ta theo công trạng của chúng ta thì ý nghĩ ấy thật điên rồ.
Thực sự chẳng kỳ lạ gì khi nhiều người khác nghĩ như thế. Đó là lối nghĩ thông thường nhất về Thiên Chúa, vì Ngài chỉ là một sự phóng chiếu vào trong bầu trời cảm thức luân lý của chúng ta, đặc biệt là cảm thức về tội lỗi. Nhưng tôi không tin Ngài là một Thiên Chúa như vậy, bởi vì nhiều đoạn Tin Mừng mạc khải cho chúng ta về một Thiên Chúa hoàn toàn khác. Cho nên thật điên rồ nếu một Ki-tô hữu nào đó nghĩ rằng Thiên Chúa chỉ là sự phóng chiếu cho những cảm thức luân lý. Nhìn lại chủ đề chính mà Chúa Giê-su rao giảng, bạn sẽ thấy rằng Ngài rao giảng về một Thiên Chúa hoàn toàn khác.
Chúng ta cùng suy xét dụ ngôn nổi tiếng nói về người con hoang đàng (Lc 15, 11-32). Trong dụ ngôn này, người con thứ bỏ nhà, bỏ cha để đi đến một phương trời xa và phung phí tất cả tài sản cha chia cho. Nói chung là anh ta có một quá khứ xa hoa. Sau đó không lâu, anh nhận ra con người thật của anh khi anh nghĩ rằng: “Con không còn xứng đáng được gọi là con cha nữa, xin đối xử con như người làm công cho cha vậy.”
Tội lỗi của anh ta là khước từ hoàn toàn tương quan với cha; thay vì là con, bây giờ anh muốn được đối xử như người làm công để có được chính xác những gì anh đáng được trả. Ở điểm này có hai khía cạnh như sau: thứ nhất là tội đã phạm, thứ hai là nhận ra tội lỗi đó. Thánh Luca đã lập lại điều này hai lần để cho bạn biết được đây chính là điểm mấu chốt của câu chuyện. Điều thiết yếu là người con đã nhận ra lỗi lầm của mình. Tội lỗi ấy đã biến Thiên Chúa thành một ông chủ trả lương, hay một vị thẩm phán.
Tội là điều gì đó biến Thiên Chúa thành một phóng chiếu đối với lỗi phạm của mình. Do đó, chúng ta chẳng bao giờ thấy được Thiên Chúa đích thực. Tất cả những gì chúng ta thấy chỉ là một thứ xét đoán nào đó. Thiên Chúa (Đấng là tất cả ý nghĩa, mục đích và tiêu điểm của hiện hữu chúng ta) đã trở thành kẻ kết án chúng ta. Thiên Chúa đã bị biến thành Satan, bị biến thành kẻ buộc tội, ông chủ, người cân đo việc làm của chúng ta và xét xử chúng ta.
Thiên Chúa chẳng bao giờ thay đổi ý định của Ngài về bạn cả. Chỉ đơn giản là Ngài luôn luôn yêu thương bạn. Điều mà Ngài ngày qua ngày vẫn làm đó là thay đổi tâm ý của bạn về Ngài.
Thật là điên rồ khi người Ki-tô hữu nghĩ Thiên Chúa giống như một vị thần trừng phạt độc ác và chỉ dành riêng cho người phạm tội. Suy nghĩ về Thiên Chúa như thế có thể trở nên một sự thờ phượng Satan. Cho nên thật điên rồ nếu trong Giáo Hội có quan niệm như thế về Thiên Chúa. Điều đó chẳng khác gì quan niệm về Thiên Chúa nơi hỏa ngục. Vì sự đọa đày này chỉ có trong ảo tưởng bị ám ảnh mãi mãi về một Thiên Chúa Lề Luật, về một Thiên Chúa được tạo bởi tội của chúng ta.
Điểm đặc trưng của những tội nhân chính là không biết mình là tội nhân. Họ từ chối chấp nhận và tin rằng họ là tội nhân. Trái lại, họ tìm đủ mọi cách để biện minh và miễn thứ cho chính mình. Mọi cuộc đối thoại nơi hỏa ngục đều là nguyền rủa nhau về những lỗi phạm ghê tởm của nhau, và họ cho rằng họ công chính và đạo đức, nên không bao giờ họ ở nơi như thế. Nỗi buồn tuyệt vọng này ắt hẳn là sự đau đớn nơi hỏa ngục. Cái tạo nên hỏa ngục chính là Thiên Chúa không được nhìn thấy nơi ấy. Tất cả những gì chúng ta thấy chỉ là một Thiên Chúa căm phẫn trừng phạt chẳng khác gì là Satan.
Người con thứ trong dụ ngôn đã thoát khỏi hỏa ngục vì anh đã thấy được tội lỗi của chính mình. Anh đã nhận ra đâu là hình ảnh của Thiên Chúa đối với anh: “Con chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy” (Lc 15, 19). Dĩ nhiên, ngay khi anh thực sự chấp nhận anh là tội nhân, anh không còn cô đơn nữa.[1] Quả vậy, khi bạn biết mình đã phạm tội là lúc bạn ăn năn hay tha thứ hoặc bạn có thể gọi tình trạng này là gì gì cũng được tùy thích. Phần tiếp theo của câu chuyện không phải nói về việc cha tha thứ cho con, mà là về việc cha tổ chức tiệc mừng chào đón con với niềm hoan hỉ. Đây mới chính là Thiên Chúa thực bởi vì Thiên Chúa thực là Thiên Chúa yêu thương chúng ta vô cùng vô tận. Ngài yêu thương chúng ta một cách vô điều kiện.
Tình yêu của Ngài dành cho chúng ta không lệ thuộc vào những gì chúng ta làm hay chúng ta là ai. Ngài không quan tâm liệu chúng ta có phải là những tội nhân hay không. Chẳng có gì khác biệt đối với Thiên Chúa cả. Ngài chỉ chờ đợi và chào đón chúng ta trong niềm vui và tình yêu. Tội không làm thay đổi thái độ của Thiên Chúa đối với chúng ta. Ngược lại, tội làm thay đổi thái độ của chúng ta đối với Ngài. Tội khiến chúng ta biến Thiên Chúa từ Đấng chỉ biết thương yêu, thành một kẻ trừng phạt độc ác, thành Satan.
Tội là vấn đề muôn thuở đối với chúng ta dẫu cho chúng ta có phải là những tội nhân hay không; nó chẳng bao giờ là vấn đề của Thiên Chúa cả. Vì vậy, rõ ràng Ngài không kết án về tội chúng ta bao giờ.[2] Chính chúng ta mới là những người đưa ra những lời kết án. Chúng ta kết án chính chúng ta. Bởi vì chúng ta thích biện minh và miễn thứ cho chính mình, cũng như thích tự thỏa mãn tính hư danh của chúng ta hơn là để chúng ta được lôi kéo bởi tình yêu vô hạn của Thiên Chúa.
Lòng ăn năn hay sự tha thứ (hãy nhớ rằng chính chúng ta tha thứ cho chính mình) hầu như chính xác là mặt trái của việc miễn thứ (cho chính chúng ta). Chính vì sự miễn thứ này mà giờ đây ở dưới thế con người có quyền tha tội, có sức mạnh để nhận ra lỗi lầm như chính nó là và loại bỏ nó. Còn lòng ăn năn hay sự tha thứ là sự hiểu biết chính mình; đó là một việc vô cùng đau đớn để thấy chính chúng ta là ai và là gì. Chúng ta keo kiệt, ích kỷ, độc ác, vô cảm và ấu trĩ biết chừng nào.
Người con thứ nhận ra chân lý rằng: tội đã biến anh thành kẻ làm công để được hưởng công. Ngang qua nhận thức đơn giản này, tội anh đã không còn nữa. Ngược lại với người con thứ là người con cả: “Đã bao năm trời, con đã làm việc như một nô lệ cho cha và chẳng bao giờ trái lệnh” (Lc 15, 29). Dẫu cho anh trung thành với lề luật và không bao giờ sa ngã thì anh vẫn không nhìn thấy Thiên Chúa như chính Ngài là. Anh xem chính anh như là kẻ làm công. Anh nghĩ anh nên thâu tiền lương từ Thiên Chúa và đòi hỏi Thiên Chúa trả công xứng đáng cho anh.
Ở đây Chúa Giê-su cho chúng ta thấy rằng tình trạng đáng sợ của người tự cho mình là đạo đức và trung thành lề luật một cách sít sao. Vì sự quy – ngã mà anh cho rằng anh đáng được thưởng ngang qua những công trạng và nhân đức của chính anh. Chẳng khác gì hơn người con hoang đàng trong dụ ngôn (chí ít là anh con thứ này đã có được một thời gian hạnh phúc), anh cũng không nhận biết Thiên Chúa đích thực.
Người con thứ có được hạnh phúc hơn vì chính anh ta đã thấy được mình vô ơn, ích kỷ và sa ngã. Những tội mà người con thứ đã phạm có thể dễ dàng được nhận ra đó là những tội. Trong khi đối với người con cả thì tội của anh khó được nhận ra hơn; do đó anh ở trong một tình trạng nguy hiểm hơn. Thiên Chúa và tình yêu của Ngài bị che khuất khỏi người con thứ bởi những khoái lạc ngây dại của xác thịt. Còn đối với người anh cả thì Thiên Chúa bị che khuất bởi sự kiêu ngạo – đặc tính của Sa-tan - của anh.
Nhưng dĩ nhiên là không thực sự dễ dàng cho cả hai, nếu không nói là không thể đối với họ. Một khi bạn tự lừa dối mình bằng tội lỗi, một khi bạn tự tách mình ra khỏi Thiên Chúa (hơn là để chính bạn được thiêu hủy bởi tình yêu Thiên Chúa, chịu thiêu hủy để được tái tạo, chịu đóng đinh để được phục sinh), một khi bạn lẩn tránh tình yêu Thiên Chúa bởi những phòng thủ của chính bạn, bởi sự thỏa mãn mù quáng của cái tôi, thì tất cả những điều đó đều đưa bạn đến hư vô và không thể nhận ra tội của mình.
Chính nhờ quyền năng của Thiên Chúa và tình yêu của Ngài đã đến được với người con thứ ngay khi anh còn trong tội lỗi, mà anh đã có thể nhận ra chính anh là ai. Đây chính là lòng ăn năn; đây chính là sự tha thứ.
Đừng bao giờ để mình bị lừa dối trong lối suy nghĩ rằng: nếu bạn ăn năn và hối lỗi thì Thiên Chúa sẽ đến và tha thứ cho bạn. Bạn cũng đừng nghĩ rằng lời khẩn cầu của bạn chạm đến Thiên Chúa và thay đổi tâm ý của Ngài về bạn; do đó, Thiên Chúa tha thứ cho bạn. Không bao giờ như thế cả. Thiên Chúa chẳng bao giờ thay đổi ý định của Ngài về bạn cả. Chỉ đơn giản là Ngài luôn luôn yêu thương bạn. Điều mà Ngài ngày qua ngày vẫn làm đó là thay đổi tâm ý của bạn về Ngài. Đó là lý do tại sao bạn hối lỗi. Đó chính là sự tha thứ của bạn. Không phải vì bạn xưng tội mà bạn được tha thứ. Nhưng đúng hơn, chính vì bạn được tha thứ mà bạn xưng tội để nhận ra chính bạn là ai.
Khi bạn đến tòa giải tội theo như nghi thức Hòa Giải thì đó là dấu hiệu bạn nhận biết bạn là ai, chứ không phải bạn đến tòa giải tội để tội của bạn được tha thứ. Bạn không đến xưng tội để tội của bạn được tha thứ, mà bạn đến để ăn mừng - tạ ơn vì tội của bạn được thứ tha. Khi bạn chạy đến tòa giải tội là lúc bạn mặc áo đẹp nhất, tay đeo nhẫn, chân mang giày và tâm ý bạn được ngây ngất. Bởi vì sự mù quáng và vô tri của bạn không còn nữa; thay vào đó bạn được nhìn thấy tình yêu của Thiên Chúa dành cho bạn.
Việc ăn năn và nhận ra tội lỗi của chính mình cũng giống như việc bạn tin vào tình yêu Thiên Chúa, xóa đi hình ảnh một Thiên Chúa trừng phạt độc ác và tin vào một Thiên Chúa đích thực, Đấng luôn luôn yêu thương bạn một cách nhưng không. Bạn sẽ phải công nhận rằng chính niềm tin của bạn vào tình yêu trước sau như một của Thiên Chúa đã khiến bạn mạo hiểm nhìn vào tội lỗi của mình. Vì thế, bạn chấp nhận sự thật về chính mình. Dù gì đi chăng nữa Thiên Chúa vẫn luôn yêu thương bạn.
Khi thừa nhận tội lỗi của bạn là lúc bạn tuyên xưng niềm tin vào tình yêu Thiên Chúa dành cho bạn cách cá vị. Xưng thú tội lỗi của mình trước Giáo Hội ngang qua bí tích Hòa Giải chính là một hình thức của Kinh Tin Kính. Bạn đang tuyên xưng rằng: “Tôi thực sự là người như tôi là;[3] cho dù tôi như thế nào đi chăng nữa Thiên Chúa vẫn yêu thương tôi; Ngài không quan tâm đến tội lỗi của tôi, nhưng Ngài quan tâm đến chính tôi.” Thiên Chúa là tình yêu, một tình yêu vĩnh cửu, không thay đổi, vô điều kiện và vô hạn; tình yêu ấy Ngài dành cho tôi và cho tất cả mọi tội nhân. Đó chính là lời tuyên xưng duy nhất khi tôi đọc kinh Tin Kính.
Jb Phan Đức Định
Ngày 01 tháng 5 năm 2011
Ngày 01 tháng 5 năm 2011
Chuyển ngữ từ một chương trong “Faith Within Reason”
của tác giả Herbert McCabe OP (1926-2001),
được xuất bản bởi Continuum
của tác giả Herbert McCabe OP (1926-2001),
được xuất bản bởi Continuum
[1] Anh thoát khỏi tình trạng hỏa ngục và anh nhận ra anh còn có Cha. [chú thích của người dịch]
[2] Đức Chúa Giê-su hỏi người phụ nữ ngoại tình: "Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao? "
Người đàn bà đáp: "Thưa ông, không có ai cả."
Đức Giê-su nói: "Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa! " (X. Ga 8, 2-11). [chú thích của người dịch]
[3] Nghĩa là tôi là một tội nhân. [chú thích của người dịch]
..............................................................................................
vì tôi đến không phải để xét xử thế gian,
ReplyDeletenhưng để cứu thế gian.
Ai từ chối tôi và không đón nhận lời tôi,
thì có quan tòa xét xử người ấy:
chính lời tôi đã nói
sẽ xét xử người ấy trong ngày sau hết.
(Ga 12, 47b-48)