Cầu Nguyện Với Lòng Biết Ơn[1]
Người có tâm hồn biết ơn luôn cảm tạ về mọi điều trong cuộc sống. Chẳng có gì đến với tôi là tình cờ. Chính sự hiện hữu của bản thân đã là một món quà, bởi tôi không thể sinh ra chính mình. Mọi thứ tôi có đều là ân huệ. Mọi cuộc gặp gỡ giữa tôi và người khác đều mang đến cho tôi những sự chúc lành nào đó, ngay cả khi họ chẳng đem lại cho tôi sự may lành nào. Cho nên chúng ta vẫn thường hay nói 'trong cái rủi cũng có cái may' đấy.
Lòng biết ơn là một thái độ không thể thiếu trong mọi chiều kích của đời sống. Lòng biết ơn vừa giúp chúng ta nhìn thế giới với cả bề rộng chiều sâu của nó (như nó là), vừa biểu lộ cái tôi chân thực của chúng ta. Ronald Rolheiser, một tác giả của nhiều sách thiêng liêng, nói rằng: để trở nên một vị thánh, tâm hồn người ấy không có gì khác hơn là chỉ có thể ngập tràn sự biết ơn.[2] Theo Gustavo Gutiérres, một thần học gia giải phóng, thì duy nhất người có lòng biết ơn mới có thể biến đổi thế giới tục hóa này.[3]
Một sự biến hình theo tinh thần của Chúa Giê-su phải trải qua một quá trình hun đúc và uốn nắn con tim mình hướng tới lòng biết ơn. Một phương cách hiệu quả nhất để có được lòng biết ơn là thực tập những lời cầu nguyện tạ ơn mỗi ngày. Không phải thỉnh thoảng chúng ta dâng lời tạ ơn khi có một điều may mắn ngoại thường nào đó xảy đến với chúng ta. Đúng hơn, lời tạ ơn của chúng ta phải liên tục nối dài ngày qua ngày. Như thánh Phao-lô đã nói: “hãy cầu nguyện không ngừng; (và) hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh” (1 Tx 5, 17b-18a). Để làm cho lòng biết ơn của mình trở nên phong phú và lớn mạnh, chúng ta cần tạ ơn Chúa ngày đêm, bất kể khi nào chúng ta có cơ hội và trong suốt cuộc đời của chúng ta.
Ngoài ra, lời tạ ơn chung chung về mọi thứ là không đủ. Lời tạ ơn của chúng ta phải cụ thể như: tạ ơn về sức khỏe của tôi, về thị lực của tôi, về trí khôn và về kinh nghiệm sống của tôi… Chúng ta cũng có thể dâng lời tạ ơn để cám ơn những người bạn, những thân nhân, những ân nhân của chúng ta, cũng như cám ơn tất cả những ai hay những biến cố sự kiện nào đã giúp hình thành nên tôi trong những năm qua. Danh sách những lời tạ ơn này thật là vô cùng tận. Chúng ta cám ơn hoài, cám ơn mãi mà chẳng bao giờ hết được.
Dầu vậy chúng ta lại có khuynh hướng lập một danh sách, ít là trong đầu của chúng ta, về tất cả những phàn nàn của chúng ta, về mọi thứ mà chúng ta cần hoặc ước muốn và về những gì chúng ta không có. Chính vì thế chúng ta thường thấy rất nhiều những lời nguyện dâng lên Thiên Chúa chỉ để cầu xin điều này điều nọ, mà ít thấy những lời tạ ơn được dâng lên. Dĩ nhiên lời cầu xin không phải là không cần thiết nhưng chúng ta cần biểu lộ lòng biết ơn ra nhiều hơn nữa vì vô vàn ân huệ mà chúng ta đã nhận được. Tác giả David Steindl-Rast, trong cuốn sách của ông với tựa đề Lòng Biết Ơn, tâm điểm của cầu nguyện[4] đã định nghĩa cầu nguyện là “sống biết ơn”.[5] Meister Eckhart[6] có lần cũng đã nói: “Nếu như lời cầu nguyện duy nhất mà chúng ta có thể dâng lên Thiên Chúa là Tạ Ơn, thì như thế cũng đã đủ rồi.”
Tuy nhiên cái ngã (ego) lại là một kẻ lừa bịp tinh ranh. Những lời tạ ơn của chúng ta cũng có thể dễ dàng trở thành ích kỷ bởi cái ngã có thể dùng ngay cả những lời tạ ơn ấy của chúng ta để phục vụ cho mục đích ích kỷ của nó.
Nếu tôi cảm tạ Chúa vì mọi ơn lành tôi có và tất cả những ơn ấy đã được ban cho tôi, mà trong lòng không có chút biết ơn đối với những gì mà cũng đã được ban cho người khác, thì lời tạ ơn của chúng ta sẽ hoàn toàn mang tính ích kỷ. Tạ ơn Chúa vì tôi có đủ thức ăn trong khi nhiều người khác đang đói lả. Tạ ơn Chúa vì tôi khỏe mạnh trong khi những người xung quanh tôi lại ốm đau tật nguyền. Tạ ơn Chúa vì tôi an toàn trong khi tôi chẳng cần biết đến những người bên cạnh tôi có an toàn hay không. Tạ ơn Chúa vì tôi lương thiện và từ tâm không giống như những người khác. Đó là lời cầu nguyện của người Pha-ri-sêu trong dụ ngôn theo thánh Luca: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia” (Lc 18, 10-11). Đó không phải là lời cầu nguyện xuất từ lòng biết ơn thật sự. Nó chỉ là sự ích kỷ và kiêu ngạo của cái ngã tự tôn.
Một tâm hồn biết ơn sẽ tạ ơn Chúa về mọi điều tốt lành có được trong đời sống của tôi cũng như trong đời sống của những người khác. Có thể thật khó khăn để tạ ơn Chúa về những may mắn, những thành đạt, những món quà, và những người bạn mà người khác có, nhưng tôi lại không có. Nhưng đó chính là thách đố cho lòng biết ơn đích thực. (Tất cả những cái khác chỉ là ghen tuông và đố kỵ.)
Chúng ta dễ dàng tạ ơn Chúa về những gì mình có, trong khi đó chúng ta lại ghen tị với những người có nhiều hơn mình hoặc những người mà họ có những thứ chúng ta ước muốn. Khi một ai đó được người ta thích hơn là thích tôi, thay vì tạ ơn Chúa thì tôi lại cảm thấy ghen ghét vì người đó được yêu và được đón nhận. Một tâm hồn biết ơn thật sự sẽ hân hoan vui mừng trước số phận may mắn của mọi người và của mỗi người.
Một tâm hồn biết ơn cũng sẽ đọc được những dấu chỉ của thời đại với một ánh mắt mong muốn điều tốt nhất đến với mọi người chứ không chỉ cho riêng mình mà thôi. Cái tôi thực của tôi sẽ cảm kích khi nhận thấy rằng thần khí vẫn đang hướng dẫn con người hôm nay tìm kiếm một nền linh đạo mới. Cái tôi ấy sẽ mừng vui với những thành quả đạt được từ các cuộc đấu tranh cho công bình. Ở bất cứ nơi đâu trên thế giới mà có lòng trắc ẩn và bình an thì chúng ta đều có thể học được từ nơi đó lòng biết ơn tự sâu thẳm trái tim mình. Người biết ơn thật sự sẽ hạnh phúc để khám phá rằng những người không cùng tôn giáo của mình cũng có thể dạy mình nhiều điều nhằm giúp siêu việt hóa cái ngã của chính mình. Chúng ta cảm tạ ơn Chúa vì điều đó.
Hơn hết chúng ta cần cảm tạ Chúa vì những phát minh mới trong khoa học, những khám phá về sự giãn nở của vũ trụ với tất cả chiều kích nhiệm mầu của nó. Bởi vì những phát minh khám phá ấy sẽ đem lại một thuận lợi rất lớn cho các thế hệ mai sau. Chúng ta cũng cảm tạ Chúa khi có ngày càng nhiều người ý thức về những tai hại của chủ nghĩa cá nhân cũng như nhận thức về sự hủy diệt mà chúng ta đang đối diện. Những nhận thức ấy có thể được coi là 'trong cái rủi vẫn có cái may'.
Một điều nữa chúng ta có thể nói thêm ở đây là những lời nguyện tạ ơn cũng chứa đựng một sự biến hình tận căn. Khi chúng ta thực tập mỗi ngày cầu nguyện với lòng biết ơn, chúng ta sẽ cảm nhận được sự thay đổi về thái độ sống của chúng ta. Cầu nguyện như thế sẽ giúp chúng ta yêu mến - tôn trọng sự sống, con người và Thiên Chúa nhiều hơn. Ở mức độ nào đó, thái độ sống ấy sẽ làm thay đổi nhân cách của chúng ta.
Nếu chúng ta học nhìn mọi thứ trong đời sống như những quà tặng nhưng không, thì chúng ta không còn nhăn nhó bực bội khi chúng ta kinh nghiệm cuộc sống này thật cực khổ chẳng khác gì kiếp trâu ngựa, ngày ngày vật lộn cách nhàm chán với hết vấn đề này đến vấn nạn khác. Thay vì trong lòng đầy ắp những lo âu, phàn nàn, bi quan và chẳng hài lòng với bất cứ điều gì, thì với lòng biết ơn, chúng ta sẽ cảm thấy hạnh phúc, mãn nguyện và tri ân với những gì chúng ta đang có. Chúng ta sẽ tôn trọng và đánh giá cao sự tốt lành nơi người khác thay vì hoài nghi, chỉ trích hay chỉ thấy được những tiêu cực nơi họ mà thôi.
Chuyển ngữ
[1] Theo Albert Nolan, Jesus Today – A Spirituality of Radical Freedom, (New York: Orbis Books, 2006), chương 10: “With a Grateful Heart”, 111-116.
[2] Ronald Rolheiser, The Holy Longing: The Search for a Christian Spirituality (New York: Doubleday, 1999), 66.
[3] Ibid., 67.
[4] Gratefulness, the Heart of Prayer
[5] Steindl-Rast, Gratefulness, 59.
[6] Meister Eckhart là một tu sĩ người Đức thuộc Dòng Đa-minh, là thần học gia, triết gia và là một nhà huyền nhiệm thời Trung Cổ.
Post a Comment