CÙNG CHÚA GIÊ-SU BƯỚC TRONG ĐAU KHỔ
Sau một thời gian dài sống trong bầu không khí thinh lặng và cầu nguyện ở Tập Viện, tôi được sai đi tiếp xúc thực tế với tiến trình hai tháng Thực Nghiệm. Và đó cũng phần nào thỏa mãn khao khát của tôi là phục vụ người nghèo dưới ánh sáng mới sau một đoạn đường được huấn luyện và được gần gũi thân mật với Chúa Giêsu, đặc biệt sau ba mươi ngày đại Linh Thao.
Tác giả bài chia sẻ “Cùng Chúa Giêsu Bước Trong Đau Khổ” nói về kinh nghiệm của mình tại Trung Tâm Điều Dưỡng Phong Bến Sắn. Lần đầu gặp gỡ, tiếp xúc, đụng chạm đến các bệnh nhân tôi cảm thấy hơi sợ và rùng mình. Rồi ngày ngày qua đi, tôi cảm nhận được nhiều niềm vui. Nhìn lại những con người tôi đã gặp, tôi nhận ra nơi họ thiếu vắng sự thông cảm và đón nhận của người khác biết dường nào! Sự đau khổ mà họ phải chịu là cả cơ thể ngoại tại lẫn bên trong…
Bước đầu quả thật đầy khó khăn trong việc dấn thân vào những môi trường cụ thể. Nhưng tôi cảm tạ Chúa rất nhiều vì Ngài đã cho tôi có cơ hội học tập về lòng tin tưởng vào Tình Yêu cũng như vào sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần. Thật là một điều kỳ diệu và đầy ý nghĩa hơn nữa là tôi lên đường ngay ngày Chúa Nhật Lễ Lá. Lời Chúa hôm nay là một mào đầu và là ngọn đèn hướng dẫn tôi trong hai tháng gian nan khám phá tâm tư của Chúa Giêsu nơi những hoàn cảnh mới và con người nghèo khổ.
“Anh em hãy cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy
Anh em hãy câm lấy mà uống, vì đây là Máu Thầy
Máu Giao Ước đổ ra cho muôn người được tha tội” (Mt. 26,26-28).
Anh em hãy câm lấy mà uống, vì đây là Máu Thầy
Máu Giao Ước đổ ra cho muôn người được tha tội” (Mt. 26,26-28).
Trước khi chuyến hành trình bắt đầu tôi suy nghĩ vẩn vơ rất nhiều về cuộc thực nghiệm, về bản thân, về môi trường và về con người tôi sẽ gặp gỡ, chia sẻ và phục vụ…Nhớ lại kinh nghiệm của Thánh I-Nhã, ngài cũng dự định bao điều trong cuộc hoán cải nhưng thực tế sau đó thì có được như thế đâu. Điều này thức tỉnh tôi trở lại hiện hữu hiện tại của mình để rèn luyện sự tin tưởng vào Thiên Chúa. Do vậy tôi nhiều lần đến trước Chúa Giê-su Thánh Thể để tạ ơn Ngài và xin Ngài chúc lành tôi cùng người anh em đồng hành với tôi trên bước đường sứ vụ nầy.
Anh em chúng tôi khởi hành đi Bến Sắn vào lúc 7:30 ngày 20/3/2005 nhưng phải vất vả lắm mới đến được nơi cần đến(12:00) vì sự cố “lạc đường”. Trước mắt tôi hiện lên dòng chữ : Trung Tâm Điều Dưỡng Bệnh Phong Bến Sắn. Một cảm giác vừa vui vừa sợ dâng lên trong tâm hồn tôi. Một trong những kinh nghiệm sau một tháng ở đây, đó là nghiệm thấy sự bất công rất lớn trong xã hội mà tôi, một Kitô hữu phải có nhiệm vụ thăng tiến công bằng. Sự bất công đó dẫn đến rất nhiều đau khổ, có khi tuyệt vọng của bao con người. Bên cạnh đó, bàn tay yêu thương của Chúa Giêsu, Đấng cứu chữa người bệnh phong và đưa họ vào cuộc sống cộng đồng như trong Tin Mừng đã nhiều lần thuật lại, đang tiếp tục giang ra ôm lấy họ và cứu họ thoát khỏi khổ ải.
Nơi đây là một khu đất rộng(96 mẫu, số liệu cũ) nhưng biệt lập. Trung tâm này chẳng khác một xã hội thu nhỏ. Trong đó bệnh viện có tất cả bảy khoa: khoa ngoại, nội, phản ứng phong, dưỡng lão nam, dưỡng lão nữ, tâm thần,và lao.
Khoa đầu tiên mà tôi đến làm việc là các khoa dưỡng lão. Lần đầu gặp gỡ tiếp xúc, đụng chạm đến các bệnh nhân tôi cảm thấy hơi sợ và rùng mình. Rồi ngày ngày qua đi tôi nhận được nhiều niềm vui. Nhìn lại những con người tôi đã gặp, tôi nhận ra họ thiếu vắng sự thông cảm và đón nhận của người khác biết dường nào. Sự đau khổ mà họ phải chịu là cả cơ thể ngoại tại và tinh thần bên trong. Xung quanh tôi là những thân thể dị dạng và tàn phế. Lòng tôi cũng trào dâng sự xót xa. Chia sẻ với họ gì đây? Chúa hiện diện trong cuộc đời họ như thế nào?
Cảm tạ Chúa đã đưa tôi đến đây bình an và được tận mắt chứng kiến những con người với những cảnh đời rất kém may mắn. Họ sống với căn bệnh mà tôi chỉ được nghe nói mà chưa bao giờ được thấy, một căn bệnh mà nói ai cũng ghê tởm, muốn xa lánh ngay không cần biết người mắc bệnh đó là ai. Tôi sẽ sống và phục vụ họ với tình yêu mà Chúa muốn, tôi tự nhủ.
Những ngày sau đó công việc của tôi bắt đầu hòa nhịp với đời sống ở đây. Tôi thấy họ thân thiện hơn và ít e dè hơn. Tôi cũng vậy. Các cụ hỏi tôi vào đây có sợ không. Tôi trả lời là con không sợ. Thế là họ coi chúng tôi đến đây như những cảm tử quân của Chúa Giêsu vậy. Nhưng điều này chẳng có ý nghĩa gì nếu tôi không đến với họ bằng tình yêu của Chúa Giêsu và với lòng thương cảm trước nỗi đau của họ. Căn bệnh quái ác đã cướp đi nơi họ bao là của cải, công danh, sự kính trọng và thương yêu của người khác; cũng như họ bị mất đi nhiều bộ phận trên thân thể xinh đẹp của họ. Họ trở nên những con người cùng cực nhất xã hội, tay trắng tay với cơ thể tàn phế. Ông Cường, một con người bị mù cả hai mắt, liệt cả người, suốt mấy chục năm nay ông nằm đấy như một cái xác biết cử động đôi chút. Ăn uống, vệ sinh tắm rửa…tất cả đều phó thác cho người. Và nhiều người khác nữa giống như ông: ông Bảy, ông già “run”, bà Bảy, bà Năm… Họ chẳng còn gì để sống ngoài hơi thở Chúa ban và cơm nước do người ta đút.
Tệ hơn nữa căn bệnh quái gở này còn biến họ thành những người xa lạ và thậm chí họ còn bị coi như con thú, con quỉ cần loại ra khỏi xã hội này đã đẩy họ đến con đường cùng. Một cô chia sẻ với tôi: khi người ta biết cô bị bệnh, họ coi cô như rát rưởi và đuổi cô đi như đuổi tà. Cô đã tìm đến cái chết ba lần nhưng đều không thành sự. Cuối cùng cô nhận ra Chúa vẫn còn yêu thương cô, đưa cô đến đây và cô đã sống. Trường hợp khác, vì thấy người ta đem chôn sống bất cứ ai bị nhiễm thứ bệnh nan y này, nên khi thấy mình bị bệnh, bác đã giấu cho đến khi không còn có thể giấu được nữa, bác đã trốn vào rừng sống trong sự cô đơn và tuyệt vọng… Rồi có người còn chia sẻ: khi biết họ mắc bệnh, gia đình nói với họ: Mày hãy đi, đi đâu cũng được càng xa càng tốt để họ hàng khỏi bị mang tiếng là có người mắc bệnh phong… Tôi cứ tưởng những chuyện này diễn trong những thế kỷ trước chứ không diễn ra trong xã hội hiện giờ. Thế nhưng thực tế vẫn còn như vậy đấy.
Bị người khác xa lánh loại bỏ, bị gia đình cắt đứt… Tôi bị như chìm ngập trong những lời chia sẻ đầy nước mắt như thế. Tôi chỉ biết “đờ” người mà nghe để biết Chúa hành động trên cuộc đời của họ như thế nào, để hiểu và thương cảm họ nhiều hơn. Điều gì đã giúp họ vượt qua những bi thảm và sống vui vẻ, hiếu khách, quảng đại như ngày nay? Vâng, đó là chính sự thông cảm và sự dũng cảm của những con người mang danh Chúa Kitô, nhưng trên hết là nhờ tin vào tình yêu của Thiên Chúa. Quả vậy, chẳng có đau khổ nào sánh bằng khi con người ta sống mà không có sự thông cảm và chia sẻ của người khác hoặc là không nhận ra điều đó. Nhờ cảm kích tình thương của các Sr. (Dòng Nữ Tử Bác Ái) dành cho họ, họ quyết tâm làm lại cuộc đời. Đặc biệt là họ chấp nhận cái mà họ hiện là, để khởi sự một sự sống mới. Với những đôi bàn tay không còn ngón, với những đôi chân dùng dao chặt không chảy máu (chân giả) và với động lực sống mới là Đức Tin, họ lao vào làm việc. Lúc đầu là họ cuốc đất trồng khoai, trồng mì, trồng cao su, rồi đốn củi đem xuống chợ bán… để nuôi sống mình và gia đình. Giờ thì họ làm nhiều việc khác rồi nhưng cũng cần sự nổ lực không kém. Mặc dầu vẫn che giấu căn bệnh của mình khi tiếp xúc với người khác nhưng họ không còn trong tuyệt vọng nữa. Vì có người nhận ra rằng cho dù không ai đón nhận họ đi chăng nữa, họ vẫn tin Chúa vẫn không bỏ rơi họ. Và đó là động lực cho họ sống với cả con người bị tàn nhưng không phế. (Tâm tư của những con người lớn tuổi).
Chú Hùng, một người bệnh sống ở đây hơn 20 năm, tâm sự: Niềm vui nhất và cũng là sức mạnh giúp chú vượt qua những ngày đau khổ nhất là Đức Tin và tình yêu thương đùm bọc của các Dì cũng như của những người cùng cảnh ngộ. Đức Tin quả là kỳ diệu. Khi vào đây chú mới được học giáo lý và được rửa tội. Đúng là có Chúa thì mọi sự ra khác. Chú trở nên chấp nhận vác Thập giá mà Chúa đã trao cho. Và hay hơn là chú còn chia sẻ: Chú bị vậy nhưng còn thấy nhiều người khác tàn phế và đau khổ hơn mình nhiều; mình được Chúa thương nhiều. Và chú đã dốc hết sức lực còn lại để sống, để lao động và phục vụ.
Đấy! những con người chấp nhận thánh ý của Thiên Chúa trên cuộc đời mình và nhờ đó họ cảm thấy đời đáng sống hơn. Mặc dầu cảnh ngộ bi thương nhưng họ vẫn tin cậy nơi Chúa. Bàn tay của Thiên Chúa, tôi nhận thấy, vẫn hằng dẫn đưa họ, yêu thương họ. Và bản thân tôi nữa, dù tôi như thế nào, Chúa vẫn kêu gọi và cứu tôi. Tôi thấy mình thật nhỏ nhen, bất lực trước ân huệ to lớn Chúa dành cho tôi.Bài học mà những người bệnh phong là kiên nhẫn chịu đựng, chấp nhận mình để vâng theo thánh ý Thiên Chúa. Và câu lời Chúa: Ai muốn theo Thầy, hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo Thầy, trở nên sức mạnh cho công việc, suy nghĩ và tâm hồn tôi. Tôi là chi mà đòi hỏi Chúa thực hiện ý của mình. Và tôi cũng học nhiều ở nơi họ sự quảng đại, hiếu khách, rộng mở. Chúa đang huấn luyện tôi cách sống, cách phục vụ những con người nghèo cùng cực. Trước hết là hoán cải con tim để biết hướng về người khác, đặc biệt là người nghèo:
Này là Mình Thầy, tự hiến vì anh em
Này là Máu Thầy đổ ra để cứu con khỏi hướng về mình.
Này là Máu Thầy đổ ra để cứu con khỏi hướng về mình.
Quay về với đời sống cụ thể trong một tháng ở đây. Công việc của tôi là thăm hỏi trò chuyện, hớt tóc, cắt móng tay móng chân (vì có một số người vẫn còn), tắm rửa những người liệt, rửa vết thương, băng vết thương, cắt lỗ đáo, đút cơm… Tôi thấy mình quá liều và hơi chủ quan khi tiếp xúc với các bệnh nhân, đặc biệt đối với những vết thương của họ. Có lần bị các Dì khuyên phải chú ý giữ gìn sức khỏe cho mình. Lúc nhớ lại tôi cảm thấy hơi rợn người và sợ. Trung bình mỗi ngày hớt tóc cho hai người là ít và tắm rửa các bệnh nhân thì thường xuyên. Có những vết thương lở loét đang rỉ máu hoặc những mùi hôi thối bốc lên từ những vết thương ấy, từ những chiếc áo thấm mùi ghẻ lở, và những nơi tế nhị khác, thấy mà sợ. Khi vào việc thì nỗi sợ chẳng còn nữa có khi tôi liều dùng cả tay trần mà chà rửa họ, gần gũi đúc cơm, đúc nước cho họ. Có người tỏ ra không hài lòng đối với sự ân cần chăm sóc của mình. Hôm nọ một bà nói với tôi: Thầy chăm sóc “bả” như thế, khi thầy đi lấy ai chăm sóc “bả”. Rồi quay sang bà cụ quát: Còn cái bà này nhũng nhẻo với thầy quá. Thầy mà về bà chỉ có nước đói. Đúng thật là khó, tự nhiên mình gây cớ cho người khác phạm tội. Đó có thể là lòng ganh tị chăng? Cũng có thể bà ấy nói đúng? Nhưng trước mặt Chúa, tôi tin Thánh Thần sẽ hướng dẫn tôi nên làm gì. Và tôi tiếp tục quan tâm và chăm sóc, đặc biệt đối với những người liệt và những người rất đáng quan tâm khác. Khuôn mặt Chúa Giêsu đang hiện diện ở nơi họ. Người cùng với họ mang lấy những nỗi bất hạnh đắng cay. Chúa Giêsu chịu sỉ nhục khinh chê và đang vác Thập giá ở nơi ấy. Người vẫn đang lê bước với thân hình tiều tụy và đầy thương tích. Tôi thấy Chúa hiện diện nơi tôi khi đến với họ và Chúa hiện diện nơi họ để dạy tôi học biết vui lòng nhận lấy Thập giá trong đời sống để nên đồng hình đồng dạng với Người và tin tưởng vào Chúa trong mọi cơn gian nan thử thách.
Những con người mắc bệnh chịu nhiều đau khổ và bị xã hội ruồng bỏ đã đành. Nhưng những con cháu của họ không mắc bệnh vẫn đang mang lấy những kỳ thị, thành kiến của con người và xã hội hôm nay. Sự loại trừ đó đã làm cho bao bạn trẻ lạc vào con đường tội lỗi. Sự bất cần đời biến họ thành những kẻ nhàn rỗi, quậy phá, chơi bời, ăn cắp ăn trộm và thậm chí còn tự tử nữa. Đi học khó khăn thì chớ mà khi kiếm việc làm khó khăn càng tăng lên gấp bội. Vì cha mẹ hiếm có con do bệnh gây ra, nên một số người trong họ chiều chuộng con cái quá đáng. Do vậy nhiều bạn trẻ rất ít ý thức đến tinh thần đạo đức mà chỉ chú trọng đến tiền và tiền. Tự nhiên tôi thấy mình giới hạn vô cùng. Đọc Tin Mừng, tôi thấy nhiều lần các thánh sử nhắc đến việc Chúa Giêsu chữa người phong ( Mt 8,1- 4; Mc 1,40 – 45; Lc 5, 12 – 16; Lc 17, 11 – 19). Và hôm nay Chúa vẫn đang ở với họ để cứu chữa họ nơi nguyện đường, nơi các bí tích, nơi những con người quảng đại dâng hiến như các Sr… Để chữa những người bệnh phong và đưa họ trở lại với cuộc sống bình thường, trước hết Chúa sẽ chữa những tâm hồn của những người đang mắc một căn bệnh nghiêm trọng hơn, đó là thiếu thông cảm và bác ái, tôi thiết nghĩ như vậy. Trong đó có tâm hồn tôi. Tôi phải luôn đến với Chúa để biết loại bỏ những thành kiến với bất cứ điều gì để mở lòng ra với bất kỳ ai dù họ là người như thế nào. Nhìn cuộc sống với nhãn quan của Chúa Giêsu, đó là điều mà tôi phải sống.
Lạy Chúa Giêsu, cảm tạ Chúa rất nhiều vì đã ban cho con có cơ hội đến với những con người nghèo, bạn của Chúa. Xin cho con biết nhận lấy những tâm tư và tình yêu của Chúa vào suy nghĩ và con tim của con ngày một kết hợp với Chúa nhiều hơn, đặc biệt là hướng trọn tâm trí về Ngài; đồng thời con cũng biết mở lòng ra với mọi người, để những gì con được Chúa dạy và sẽ còn tiếp tục được dạy giúp con làm vinh danh Thiên Chúa hơn.
Cuối tháng 4 năm 2005
J.B. Phan Đức Định
......................................................................................................................
Post a Comment